Vận chuyển đường sắt từ Trung Quốc sang Châu Âu đang bùng nổ đã mở rộng kết nối đến Việt Nam. Lần đầu tiên đường sắt có tàu container chạy thẳng từ Việt Nam sang Châu Âu từ cuối tháng 7.
Do các tuyến vận chuyển container đường biển đang quá tải, nhu cầu ở Đông Nam Á ngày càng tăng đối với các dịch vụ kết nối vận tải đến các trung tâm đường sắt của Trung Quốc thông qua đường biển hoặc đường bộ để vận chuyển đến Châu Âu.
Theo thông tin từ Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (Vietnam Railways – VNR), đoàn tàu container chở hàng gồm 23 container 40 feet vận chuyển các loại hàng hóa như: Dệt may, da giày, điện tử. Tàu chạy hành trình xuất phát từ Ga liên vận quốc tế Yên Viên, vận chuyển đếnTrịnh Châu (Zhengzhou) ở tỉnh Hà Nam của Trung Quốc, sau đó được kết nối vào đoàn tàu Á – Âu để đến điểm đích.
Đại diện Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 bùng phát trên toàn cầu, vận tải đường biển quốc tế đang đối mặt với thời kỳ khó khăn thì vận tải đường sắt đang là đối tác vận chuyển đáng tin cậy để đưa hàng hóa từ Việt Nam sang châu Âu. Đường sắt có ưu thế bởi hệ thống kết nối với đường sắt liên vận quốc tế hiệu quả, các đoàn tàu đi đến ga đích đúng giờ, chi phí vận tải phù hợp, ít tác động đến môi trường.
Hiện nay, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam và đối tác châu Âu đang xây dựng kế hoạch để tổ chức vận chuyển 8 chuyến tàu/tháng xuất phát tại Việt Nam. Tổng thời gian vận chuyển dự kiến cho toàn bộ hành trình từ 25-27 ngày.
Hiện, họ đang cung cấp dịch vụ vận chuyển container bằng đường sắt giữa Việt Nam – Trung Quốc và quá cảnh đi Nga, châu Âu, các nước ASEAN và các nước Trung Á với dịch vụ logistics trọn gói cho các khách hàng.
Có thể thấy, việc tổ chức thành công đoàn tàu container đầu tiên từ Việt Nam sang Bỉ sẽ tiếp tục mở ra những tuyến vận tải đường sắt đi châu Âu ngoài các tuyến đã khai thác sang Đức, Ba Lan…
Tuy nhiên, theo Robert Foster, Giám đốc phát triển của Norman Global Logistics, vận chuyển đường sắt từ Hà Nội có thể không phải là một giải pháp đơn giản cho các sản phẩm có nguồn cung ứng ở khu vực miền Bắc Việt Nam.
Ông nói với The Loadstar: “Hiện tại, vận chuyển đường biển – nếu tàu xuất bến đúng giờ – từ Việt Nam đến Hamburg mất khoảng 30 đến 35 ngày. Và với tất cả sự chậm trễ hiện tại trên đường sắt từ Trung Quốc đến Châu Âu, bạn thật may mắn nếu đến được Hamburg trong vòng 30 ngày theo cách đó.
“Vì vậy, tôi không chắc đường sắt từ Việt Nam sẽ cạnh tranh như thế nào khi bạn tính đến thời gian vận chuyển bổ sung.”
Vận tải đường sắt Trung Quốc-Châu Âu đã tăng trưởng nhanh chóng trong năm nay, tăng mạnh 52% về khối lượng trong nửa đầu năm, lên 707.000 teu, theo truyền thông Trung Quốc. Số chuyến xe lửa tăng 43%, lên 7.377 lượt so với cùng kỳ.
Nhưng nhu cầu tăng cao và sự thay đổi phương thức đang tiếp tục tạo ra tắc nghẽn và chậm trễ trên các tuyến đường sắt, ông Foster nói.
“Có sự chậm trễ do một lượng lớn hàng hóa được chuyển sang đường rail từ đường biển. Hàng hóa có thể không được xếp lên tàu trong hai hoặc ba tuần, tùy thuộc vào hãng tàu, vì không có hãng nào dễ xoay sở trong thời điểm hiện nay,” ông giải thích.
“Ngoài ra, còn có lũ lụt ở Trịnh Châu, Đức và Hà Lan, đồng thời thiếu thiết bị và thiếu toa xe lửa để vận chuyển tại biên giới Brest-Mala [giữa Ba Lan và Belarus].”
Từ năm 2017, khi khai thông tuyến đường tàu Trung – Việt đến nay, vận tải container xuyên biên giới ngày càng nhiều, hiệu quả thông quan ngày càng nhanh chóng. 6 tháng đầu năm 2021, đã có 145 chuyến tàu vận tải container đường sắt giữa Trung Quốc và Việt Nam, tăng 64,8% so với cùng kỳ, tạo cơ sở quan trọng cho triển khai vận tải container từ Việt Nam sang Châu Âu.
Dự kiến trong tháng 8 này, Trung Quốc sẽ tiếp tục hợp tác với Việt Nam triển khai 2 chuyến vận tải đường sắt Việt Nam – Trung Quốc – châu Âu.
Nguồn: Phaata
Xem bài viết gốc tại đây.
KERRYVIETNAM – VẬN CHUYỂN HÀNG HÓA UY TÍN, AN TOÀN!
Hotline: 0902923633, 0936257997 (zalo, viber, whatsapp)
Gmail: cs@indochinapost.com